Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) với tỷ lệ 91,72%.
Trước đó, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi).
Theo đó, ngày 28/10/2019, các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm là về tạm hoãn, miễn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trong thời bình (Điều 11).
Theo báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng được tạm hoãn là hộ cận nghèo để tạo điều kiện phát triển kinh tế, tránh nguy cơ xuống hộ nghèo. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý như dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định sau khi hết điều kiện tạm hoãn thì công dân phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự án Luật chỉ quy định điều kiện tạm hoãn cho từng trường hợp cụ thể; khi không còn đáp ứng điều kiện này thì công dân trong độ tuổi phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định vợ hoặc chồng của người bị nhiễm chất độc da cam, suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên được tạm hoãn tại điểm b khoản 2, vì họ thường đã trên 60 tuổi.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, thực tế vẫn có nhiều công dân bị nhiễm chất độc da cam do hậu quả chiến tranh để lại hoặc di chứng sang các thế hệ sau. Do đó, để bảo đảm công bằng, đề nghị Quốc hội cho giữ như dự án Luật.
Kết quả biểu quyết có 443 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành thông qua Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), chiếm tỷ lệ 91,72%.Về thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn, đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ (Điều 12), có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách đối với nữ dân quân mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ khi đang thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, dự thảo Luật quy định đối tượng trên được thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trước thời hạn nhằm tạo điều kiện cho công dân có đủ sức khỏe để chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng con cái. Mặt khác, hằng năm dân quân tự vệ (trừ dân quân thường trực) thời gian làm nhiệm vụ không nhiều, trung bình từ 20 đến 25 ngày. Đối với dân quân thường trực, tự vệ và các chức vụ trong Ban chỉ huy quân sự cấp xã, cơ quan, tổ chức đã được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Vì vậy, đề nghị Quốc hội không bổ sung chính sách này cho đối tượng trên.
Có ý kiến đề nghị tại điểm d khoản 2 chỉ nên quy định chung là đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ trong trường hợp nghiện ma túy cho chặt chẽ, để bảo đảm quyền con người, quyền của công dân và nâng cao chất lượng dân quân tự vệ.
Trên cơ sở ý kiến đại biểu Quốc hội, để bảo đảm chặt chẽ hơn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung và chỉnh lý điểm này như sau: “Nghiện ma túy theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc”.
Về trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp (Điều 44), có ý kiến đề nghị bổ sung trách nhiệm của Hội đồng nhân dân các cấp trong đảm bảo nguồn lực, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về dân quân tự vệ và phù hợp với nhiệm vụ chi quy định tại khoản 2 Điều 38. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý Điều này như dự án Luật.
Ngoài ra, các vấn đề trên, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát và đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý nhiều nội dung khác của dự thảo Luật, phù hợp về thể thức văn bản, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và tính khả thi.
Dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020./.