Hot line: 0962.893.900

Văn bản do thủ tướng chính phủ ban hành vào tháng 2/2018


BỘ TƯ PHÁP
___________

Số: 726/TCBC-BTP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2018

THÔNG CÁO BÁO CHÍ

Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 02 năm 2018

_______________________

Thực hiện khoản 2, khoản 3 Điều 12 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 02 năm 2018 như sau:

I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH

Trong tháng 02 năm 2018, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 14 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 12 Nghị định của Chính phủ và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:

Các Nghị định của Chính phủ:

1. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm;

2. Nghị định số 16/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam;

3. Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản;

4. Nghị định số 18/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;

5. Nghị định số 19/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015;

6. Nghị định số 20/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam;

7. Nghị định số 21/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ;

8. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan;
9. Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổbắt buộc;

10. Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động;

11. Nghị định số 25/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in;

12. Nghị định số 26/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 07/2018/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh;
2. Quyết định số 08/2018/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02 tháng 02 năm 2018.

Nghị định này: (1) Thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm; (2) Bãi bỏ ChươngIIThông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCTngày 09 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm; góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý trong bối cảnh chưa sửa đổi, bổ sung Luật an toàn thực phẩm mới theo yêu cầu tại Kết luận số 11-KL/TW ngày 19 tháng 01 năm 2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề an toàn thực phẩm trong tình hình mới.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 08 chương, 44 điều, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm, cụ thể: (1) Thủ tục tự công bốsản phẩm; đăng ký bản công bố sản phẩm; (2) Bảo đảm an toàn thực phẩm biến đổi gen; (3) Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; (4) Kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu, xuất khẩu; (5) Ghi nhãn thực phẩm; (6) Quảng cáo thực phẩm; (7) Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe; trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng phụ gia thực phẩm; (8) Truy xuất nguồn gốc thực phẩm; (9) Phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; (10) Quy định chuyển tiếp và điều khoản thi hành.

Ban hành kèm theo Nghị định này 04 phụ lục, gồm: (1) Phụ lục I về các mẫu: Bản tự công bốsản phẩm; Bản công bố sản phẩm; Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; Giấy đăng ký kiểm tra thực phẩm nhập khẩu; Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt/không đạt yêu cầu nhập khẩu; Báo cáo về việc thực hiện kiểm tra nhà nước đối với thực phẩm nhập khẩu; Mẫu danh sách cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đăng ký xuất khẩu vào Việt Nam; Thông tin về hệ thống quản lý và năng lực kiểm soát an toàn thực phẩm của cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu; Bản tóm lược thông tin về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm của cơ sở sản xuất, kinh doanh; Đơn đăng ký, Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe; Biên bản thẩm định; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đạt yêu cầu Thực hành sản xuất tốt thực phẩm bảo vệ sức khỏe; (2) Phụ lục II về Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế; (3) Phụ lục III về Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (4) Phụ lục IV về Danh mục các sản phẩm/nhóm sản phẩm thực phẩm; hàng hóa thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Công thương.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm; (2) Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến an toàn thực phẩm tại Việt Nam.

2. Nghị định số 16/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 4 năm 2018.

Nghị định này thay thế Nghị địnhsố 146/2013/NĐ-CPngày 30 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm triển khai thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật biển Việt Nam về việc giao Chính phủ quy định về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải phục vụ cho việc đi qua không gây hại nhằm bảo đảm an toàn hàng hải.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 17 điều, quy định về việc công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam phục vụ cho việc tàu thuyền đi qua không gây hại nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường biển, cụ thể: (1) Nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam; (2) Thiết lập, công bố tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam; (3) Phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam; (4) Yêu cầu chung đối với tàu thuyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam; (5) Thông báo, giám sát tàu thuyền hoạt động trên tuyến hàng hải, luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam; (6) Hoạt động của các thiết bị, công trình trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam; (7) Quy định về an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường khihoạt động trên tuyến hàng hải trong lãnh hải Việt Nam; (8) Nguyên tắc và trách nhiệm phối hợp hoạt động quản lý; (9) Nội dung phối hợp hoạt động quản lý tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam; (10) Thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành trên tuyến hàng hải và luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam; (11) Trách nhiệm của các Bộ,ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trên tuyến hàng hải và phân luồng giao thông trong lãnh hải Việt Nam; (12) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến công bố tuyến hàng hải, phân luồng giao thông và tàu thuyền tham gia giao thông trong lãnh hải Việt Nam.

3. Nghị định số 17/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 3 năm 2018 (các chính sách quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018).

Bãi bỏ khoản 5, khoản 7 Điều 1 Nghị định số 89/2015/NĐ-CPngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CPngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Quyết định số 47/2016/QĐ-TTgngày 31 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm cơ chế hỗ trợ một lần sau đầu tư theo quy định tại Nghị định số 89/2015/NĐ-CPngày 07 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67/2014/NĐ-CPngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CPngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, đặc biệt là các khó khăn, vướng mắc về chính sách đầu tư, chính sách tín dụng hỗ trợ lãi suất vay vốn đóng mới, nâng cấp tàu, chính sách bảo hiểm, cho vay vốn lưu động và hỗ trợ đào tạo.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản liên quan đến các quy định về: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Chính sách đầu tư; (3) Chính sách tín dụng; (4) Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư; (5) Chính sách bảo hiểm và một số chính sách khác; (6) Nguồn vốn và cơ chế thực hiện chính sách; (6) Trách nhiệm của các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; (7) Quyền hạn và trách nhiệm của chủ tàu; (8) Điều khoản thi hành.

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục về mẫu Đơn đề nghị hỗ trợ một lần sau đầu tư.

4. Nghị định số 18/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02 tháng 02 năm 2018.

Nghị định này thay thế Nghị định số 37/2008/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 37/2008/NĐ-CP ngày 01 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 và Nghị định số 10/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 02 năm 2016 của Chính phủ quy định về cơ quan thuộc Chính phủ…

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Theo Nghị định, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh; quản lý, bảo đảm an ninh, nghi lễ, tổ chức các hoạt động tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quảng trường Ba Đình, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Khu đón tiếp nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông thuộc huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội và các công trình, kiến trúc có liên quan; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công theo quy định của pháp luật.

Cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm có: (1) Văn phòng Ban Quản lý Lăng; (2) Các đơn vị sự nghiệp công lập: Ban Quản lý Quảng trường Ba Đình và Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường; (3) Các đơn vị chuyên trách phối thuộc: Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Quốc phòng; Trung đoàn 375, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an.

5. Nghị định số 19/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 02 tháng 02 năm 2018.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13ngày 27 tháng 11 năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018).

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 08 điều, quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, cụ thể: (1) Nguyên tắc về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy; (2) Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252; (3) Việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy trong trường hợp các chất ma túy không được quy định trong cùng một điểm thuộc các khoản của một trong các Điều 248, 249, 250, 251, 252; (4) Điều khoản thi hành.

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy trong một số trường hợp cụ thể.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy.

6. Nghị định số 20/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 02 năm 2018.

Nghị định này thay thế Nghị định số 190/2013/NĐ-CPngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, như: Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp, Nghị định số 96/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật doanh nghiệp, Nghị định số 97/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ về quản lý người giữ chức danh, chức vụ tại doanh nghiệp là công ty TNHH một thành viên mà Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ…; khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 190/2013/NĐ-CPngày 21 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, ban hành kèm theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Điều lệ gồm 11 chương, 94 điều, quy định tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, cụ thể: (1) Quy định tên, trụ sở chính; hình thức pháp lý, tư cách pháp nhân, chức năng; mục tiêu hoạt động, ngành, nghề kinh doanh; vốn điều lệ; chủ sở hữu; người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn; quản lý nhà nước đối với Tập đoàn; tổ chức Đảng và tổ chức chính trị - xã hội trong Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; (2) Quyền, nghĩa vụ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; (3) Chủ sở hữu và phân công thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; (4) Tổ chức quản lý Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; (5) Tổ chức quản lý, điều hành của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam và quan hệ của Tập đoàn với các công ty con, công ty liên kết và công ty tự nguyện tham gia liên kết; (6) Quản lý vốn do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đầu tư ở doanh nghiệp khác; (7) Cơ chế hoạt động tài chính của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; (8) Tổ chức lại, đa dạng hóa sở hữu, giải thể, phá sản Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; (9) Sổ sách và hồ sơ của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; (10) Giải quyết tranh chấp nội bộ và sửa đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; (11) Điều khoản thi hành.

Ban hành kèm theo Điều lệ này Phụ lục Danh sách các đơn vị trực thuộc, đơn vị sự nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

7. Nghị định số 21/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 4 năm 2018.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, bảo đảm an ninh, an toàn của các loại hàng đặc biệt của Nhà nước trong quá trình vận chuyển; tạo điều kiện thuận lợi để lực lượng Cảnh sát nhân dân phát huy hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ trong công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 20 điều, quy định về công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt của Nhà nước trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ, cụ thể: (1) Hàng đặc biệt do lực lượng Cảnh sát nhân dân có trách nhiệm vũ trang bảo vệ vận chuyển; (2) Chủ thể bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; (3) Nguyên tắc bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; (4) Công tác tổ chức bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; (5) Trách nhiệm của Bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt; (6) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Lực lượng Cảnh sát nhân dân; (2) Cơ quan quản lý hàng đặc biệt; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt.

8. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 4 năm 2018.

Các văn bản quy phạm pháp luật sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành: (1) Nghị định số 100/2006/NĐ-CPngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; (2) Nghị định số 85/2011/NĐ-CPngày 20 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 100/2006/NĐ-CPngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 100/2006/NĐ-CPngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 85/2011/NĐ-CPngày 20 tháng 9 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 100/2006/NĐ-CPngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật dân sự, Luật sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan; đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 51 điều, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan, cụ thể: (1) Quy định về chính sách của Nhà nước; trách nhiệm, nội dung quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan; (2) Quy định về quyền tác giả, cụ thể: Tác giả, đồng tác giả; tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác; quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác; tác phẩm báo chí, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh; tạo hình, mỹ thuậtứng dụng, nhiếp ảnh, kiến trúc; bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ; chương trình máy tính; tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian; đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả; quyền nhân thân; quyền tài sản; sao chép tác phẩm; trích dẫn hợp lý tác phẩm; thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm di cảo; chủ sở hữu quyền tác giả; chuyển nhượng quyền đối với tác phẩm khuyết danh; sử dụng tác phẩm thuộc về Nhà nước và tác phẩm thuộc về công chúng; (3) Các quy định về quyền liên quan, cụ thể: Quyền của người biểu diễn; trích dẫn hợp lý cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; bản sao tạm thời; sử dụng bản ghi âm, ghi hình; chương trình phát sóng; (4) Đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan; (5) Tổ chức đại diện tập thể, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan; (6) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ; (2) Tổ chức, cá nhân khác cóhoạt động liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan; (3) Cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.

9. Nghị định số 23/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về bảo hiểm cháy, nổbắt buộc

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2018.

Nghịđịnh này thay thế: (1) Nghị định số 130/2006/NĐ-CPngày 08 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; (2) Điều 2 Nghị định số 46/2012/NĐ-CPngày 22 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP.

Bãi bỏ các Thông tư sau: (1) Thông tư liên tịch số 214/2013/TTLT-BTC-BCAngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 130/2006/NĐ-CPvà Nghị định số 46/2012/NĐ-CP; (2) Thông tư số220/2010/TT-BTCngày 30 tháng 12 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 9 về việc giao Chính phủ quy định và công bố danh mục cơ sở có nguy hiểm về cháy, nổ; điều kiện, mức phí bảo hiểm cháy, nổ; số tiền bảo hiểm tối thiểu và khoản 2 Điều 54 về việc giao Chính phủ quy định cụ thể về nguồn thu, mức thu, chế độ quản lý, sử dụng nguồn tài chính cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy của Luật phòng cháy, chữa cháy năm 2001 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013); khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 130/2006/NĐ-CPvà Nghị định số 46/2012/NĐ-CP.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 18 điều, quy định về bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc, cụ thể: (1) Nguyên tắc tham gia bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; (2) Đối tượng bảo hiểm; (3) Sốtiền bảo hiểm tối thiểu; (4) Phạm vi bảo hiểm và loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; (5) Mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm; (6) Bồi thường bảo hiểm; (7) Mức thu, nộp từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy; (8) Chế độ quản lý, sử dụng nguồn thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; (9) Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan có liên quan và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc thực hiện bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; (10) Quy định chuyển tiếp và điều khoản thi hành.

Ban hành kèm theo Nghị định này 04 phụ lục, gồm: (1) Phụ lục I về Mẫu Giấy chứng nhận bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; (2) Phụ lục II về Mức phí bảo hiểm và mức khấu trừ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; (3) Phụ lục III về Báo cáo doanh thu, bồi thường bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc; (4) Phụ lục IV về Báo cáo kết quả kinh doanh bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc.

10. Nghị định số 24/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 4 năm 2018.

Các quy định sau hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành: (1) Nghị định số 119/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động, Luật dạy nghề, Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo; (2) Những nội dung liên quan đến khiếu nại, tố cáo của người lao động tạiNghị định số 75/2012/NĐ-CPngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật khiếu nại; (3) Nghị định số 76/2012/NĐ-CPngày 03 tháng 10 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật tố cáo.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 119/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật lao động, Luật dạy nghề, Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về khiếu nại, tố cáo; góp phần hoàn thiện khung pháp lý về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực việc làm, an toàn, vệ sinh lao động; đảm bảo phù hợp với Luật việc làm, Luật an toàn, vệ sinh lao động; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực lao động, việc làm; góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 47 điều, quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động, cụ thể: (1) Nguyên tắc giải quyết khiếu nại, tố cáo; (2) Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại, luật sư, trợ giúp viên pháp lý và người tham gia trợ giúp pháp lý; (3) Thẩm quyền giải quyết khiếu nại; (4) Trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu, lần hai; (5) Quyết định giải quyết khiếu nại có hiệu lực pháp luật và thi hành Quyết định giải quyết khiếu nại; (6) Quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo và người giải quyết tố cáo; (7) Thẩm quyền giải quyết tố cáo; (8) Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo; (9) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Người lao động, người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, người thử việc, người học trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoặc trong cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (2) Người sử dụng lao động; (3) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; (4) Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp của Nhà nước đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (5) Tổ chức dịch vụ việc làm; tổ chức có liên quan đến hoạt động tạo việc làm cho người lao động; (6) Tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; (7) Những cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan đến các nội dung quy định tại Điều 1 Nghị định này.

11. Nghị định số 25/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 5 năm 2018.

Bãi bỏ các điểm a, d, e khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 11; các điểm c, d, đ khoản 2 và khoản 4 Điều 12; khoản 6 Điều 14; điểm c khoản 2 Điều 16; các Điều 18, 21 và 24; khoản 5 Điều 25; điểm a, điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều 27; điểm c khoản 2 và khoản 4 Điều 28; khoản 4 Điều 30; khoản 1 và khoản 4 Điều 32 của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện Quyết định số 143/QĐ-TTg ngày 19 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án đơn giản hóa nhóm thủ tục hành chính, quy định liên quan đến hoạt động của các cơ sở in thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông và Nghị quyết số 19/2017/NQ-CP ngày 06 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 60/2014/NĐ-CP ngày 19 tháng 6 năm 2014 của Chính phủ quy định về hoạt động in liên quan đến các quy định về: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động in; (3) Trách nhiệm thông tin, báo cáo; (4) Điều kiện hoạt động của cơ sở in; (5) Cấp, cấp lại Giấy phép hoạt động in và các trường hợp thu hồi giấy phép hoạt động in; (6) Đăng ký hoạt động cơ sở in; (7) Trách nhiệm của cơ sở in; (8) Điềukiện nhận chế bản, in, gia công sau in; (9) Nhận chế bản, in, gia công sau in hóa đơn tài chính, các loại thẻ, giấy tờ có sẵn mệnh giá hoặc dùng để ghi mệnh giá; tem chống giả và các sản phẩm in khác; (10) Chế bản, in, gia công sau in cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; (11) Khai báo hoạt động cơ sở dịch vụ photocopy; (12) Nhập khẩu thiết bị in; thủ tục cấp Giấy phép nhập khẩu thiết bị in; quản lý sử dụng thiết bị in.

Ban hành kèm theo Nghị định này phụ lục về các mẫu: (1) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép hoạt động in; cấp Giấy phép nhập khẩu thiết bị in; chuyển nhượng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu; Đơn đăng ký sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu; (2) Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu cơ sở in; (3) Giấy phép hoạt động in; nhập khẩu thiết bị in; (4) Giấy xác nhận đăng ký sử dụng máy photocopy màu, máy in có chức năng photocopy màu; Phiếu đặt in; (5) Tờ khai đăng ký hoạt động cơ sở in; thay đổi thông tin đăng ký hoạt động cơ sở in; hoạt động cơ sở dịch vụ photocopy; thay đổi thông tin cơ sở dịch vụ photocopy; (6) Bìa và ruột sổ ghi chép, quản lý ấn phẩm nhận chế bản, in và gia công sau in; (7) Báo cáo về hoạt động in; công tác quản lý nhà nước về hoạt động in; hoạt động cơ sở dịch vụ photocopy; (8) Biểu tổng hợp báo cáo số liệu hoạt động in; danh mục cơ sở in.

12. Nghị định số 26/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 28 tháng 02 năm 2018.

Nghị định này thay thế Nghị định số 205/2013/NĐ-CPngày 06 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với các luật mới được ban hành, như: Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, Luật doanh nghiệp…; khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 205/2013/NĐ-CPngày 06 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ về Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho phù hợp với thực tế hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều, ban hành kèm theo Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Điều lệ gồm 11 chương, 81 điều, quy định tổ chức và hoạt động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cụ thể: (1) Quy định tên, loại hình doanh nghiệp, trụ sở; hình thức pháp lý, tư cách pháp nhân, chức năng; mục tiêu hoạt động, ngành, nghề kinh doanh; vốn điều lệ; chủ sở hữu; người đại diện theo pháp luật của Tập đoàn; quản lý nhà nước đối với Tập đoàn; tổ chức Đảng và tổ chức chính trị - xã hội trong EVN; (2) Quản lý, điều hành EVN; (3) Quyền, nghĩa vụ của EVN; (4) Quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước và phân công thực hiện quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với EVN; (5) Tổ chức quản lýEVN; (6) Mối quan hệ của EVN với các doanh nghiệp thành viên, doanh nghiệp liên kết; (7) Cơ chế tài chính của EVN; (8) Tổ chức lại, đa dạng hóa sở hữu, giải thể, phá sản EVN; (9) Sổ sách và hồ sơ của EVN; (10) Giải quyết tranh chấp nội bộ và sửa đổi Điều lệ tổ chức và hoạt động của EVN; (11) Điều khoản thi hành.

Ban hành kèm theo Điều lệ này Phụ lục Danh sách các đơn vị trực thuộc Công ty mẹ - Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

13. Quyết định số 07/2018/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 4 năm 2018.

Quyết định này thay thế Quyết định số 168/2008/QĐ-TTgngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 168/2008/QĐ-TTgngày 12 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều, ban hành Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Theo Quyết định, Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh gồm những tin, tài liệu thuộc phạm vi sau: (1) Thông tin, tài liệu về các cuộc đàm phán và tiếp xúc cấp cao giữa Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với người nước ngoài hoặc với các tổ chức quốc tế về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, khoa học và các lĩnh vực khác, chưa công bố hoặc không công bố; (2) Các đề tài, công trình khoa học do Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ giao Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nghiên cứu phục vụ công tác quốc phòng, an ninh, đối ngoại và các lĩnh vực khác; kết quả nghiên cứu có nội dung liên quan đến chế độ chính trị, quốc phòng và an ninh chưa công bố hoặc không công bố; (3) Nội dung làm việc, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với lãnh đạo Học viện về các nội dung thuộc Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật chưa công bố; (4) Văn bản có sử dụng tin, tài liệu thuộc Danh mục bí mật nhà nước độ Tối mật của các cơ quan, tổ chức khác.

14. Quyết định số 08/2018/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 4 năm 2018.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý để Học viện hoạt động hiệu quả; đảm bảo phù hợp với Nghị định số 95/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu, tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 06 điều, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Theo Quyết định, Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo là cơ sở nghiên cứu khoa học công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ; bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; hỗ trợ, thực hiện hoạt động đổi mớisáng tạo và khởi nghiệp; tư vấn, cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ.

Cơ cấu tổ chức của Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo gồm có 08 đơn vị trực thuộc.

Trên đây là Thông cáo báo chí văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 02 năm 2018, Bộ Tư pháp xin thông báo./.

Nơi nhận:

- Bộ trưởng (để báo cáo); 

- TT Trần Tiến Dũng (để báo cáo);

- Văn phòng Chính phủ;

- Cổng Thông tin điện tử Chính phủ;

- Báo Điện tử Chính phủ;

- Cục CNTT Bộ Tư pháp (để đăng tải);

- Báo Pháp luật Việt Nam (để đăng tải);

- Vụ PBGDPL;

- Lưu: VT, VP.

TL. BỘ TRƯỞNG

CHÁNH VĂN PHÒNG

(Đã ký)



Đỗ Đức Hiển

Gửi thông tin cần tư vấn


Họ tên(*)

Số điện thoại(*)
Fax
Email
Địa chỉ
Yêu cầu



Giới thiệu Thành lập doanh nghiệp Tư vấn đầu tư
Thuế/ Lao động / Bảo hiểm xã hội Sở hữu trí tuệ Tư vấn doanh nghiệp
Liên hệ Văn bản pháp luật Tra cứu
GIải quyết tranh chấp Giải trí