Hot line: 0962.893.900

Tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng năm 2019


TỔNG CỤC THỐNG KÊ thống kê:

1. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung chủ yếu vào gieo cấy, chăm sóc lúa mùa và thu hoạch lúa, hoa màu vụ hè thu. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt. Dịch tả lợn châu Phi đang dần được kiểm soát, người dân bắt đầu trở lại tiêu dùng thịt lợn. Sản xuất thủy sản giữ được đà tăng trưởng trong cả nuôi trồng và khai thác. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đang gặp khó khăn khi giá bán của hầu hết các sản phẩm nông nghiệp vẫn đang ở mức thấp so với cùng kỳ năm trước; nắng nóng gây cháy rừng khiến cho diện tích rừng bị thiệt hại tăng cao ở khu vực Duyên hải miền Trung.

a) Nông nghiệp

Tính đến ngày 15/8, cả nước gieo cấy được 1.473,9 nghìn ha lúa mùa, bằng 95,6% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 1.067,1 nghìn ha, bằng 96,4%; các địa phương phía Nam đạt 406,8nghìn ha, bằng 93,3%. Vụ mùa năm nay chịu ảnh hưởng của thời tiết diễn biến phức tạp. Đầu vụ nắng nóng kéo dài gây khó khăn cho việc gieo trồng. Các địa phương phía Bắc chịu ảnh hưởng của cơn bão số 2, số 3 và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, nhất là hoàn lưu bão số 3 gây lũ lụt, làm ngập úng, thiệt hại nhiều diện tích lúa và hoa màu. Ở thời điểm hiện tại, thời tiết tương đối thuận lợi, đêm mưa, ngày nắng, có đủ nước và ánh sáng nên cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, hiện tượng sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng đang xuất hiện rải rác trên một số trà lúa. Các địa phương cần tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh, không để lây lan trên diện rộng ảnh hưởng đến kết quả sản xuất toàn vụ.

Vụ lúa hè thu năm nay cả nước gieo cấy được 2.011,3 nghìn ha, giảm 40,8 nghìn ha so với vụ hè thu năm trước, chủ yếu do chuyển đổi cơ cấu cây trồng và chuyển đổi mùa vụ[1]. Đến trung tuần tháng Tám,cả nước thu hoạch được 1.036,4 nghìn ha lúa hè thu, chiếm 51,5% diện tích xuống giống và bằng 104,7% cùng kỳ năm trước, trong đó tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long với 983,3 nghìn ha, chiếm 62,6% và bằng 105,5%. Tiến độ thu hoạch lúa hè thu nhanh hơn cùng kỳ năm trước do thực hiện theo lịch xuống giống tập trung và sớm hơn 10-20 ngày so với thời điểm xuống giống vụ hè thu năm trước. Theo báo cáo của các địa phương, năng suất lúa hè thu năm nay ước tính đạt 54,4 tạ/ha, giảm 0,3 tạ/ha so với vụ hè thu trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ cao, nắng nóng nên thời gian sinh trưởng của cây lúa giảm, lúa trổ bông sớm, đặc biệt là ảnh hưởng của mưa bão sát thời điểm thu hoạch tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long làm cho một số diện tích lúa bị thiệt hại. Diện tích gieo cấy và năng suất đều giảm nên sản lượng chung toàn vụ hè thu 2019 ước tính đạt gần 11 triệu tấn, giảm 280,2 nghìn tấn so với vụ hè thu năm 2018.

Tính đến giữa tháng Tám, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 382,8 nghìn ha lúa thu đông, bằng 95,5% cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của thời tiết mưa đầu vụ. Một số địa phương có diện tích gieo cấy giảm so với cùng kỳ năm trước: Đồng Tháp giảm 10,9 nghìn ha; Cần Thơ giảm 9,8 nghìn ha; Hậu Giang giảm 6,6 nghìn ha. Hiện nay, lúa thu đông đang sinh trưởng và phát triển khá tốt.

Tính đến 15/8, các địa phương trên cả nước gieo trồng được 863,3 nghìn ha ngô, bằng 96,9% cùng kỳ năm trước; 100,3 nghìn ha khoai lang, bằng 98,2%; 159,6 nghìn ha lạc, bằng 95,3%; 39,9 nghìn ha đậu tương, bằng 95,9%; 897,7 nghìn ha rau, đậu, bằng 101,4%.

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định. Dịch tả lợn châu Phi tại nhiều địa phương đang dần được kiểm soát, giá thịt lợn hơi tăng dần, người chăn nuôi đã có lãi, số lượng lợn tiêu hủy trong tháng giảm so với tháng trước[2]. Chăn nuôi gia cầm phát triển tốt do có thị trường tiêu thụ ổn định. Tính đến tháng Tám, đàn trâu cả nước ước tính giảm 3,1% so với cùng thời điểm năm trước; đàn bò tăng 2,4%; đàn lợn giảm 18,5%; đàn gia cầm tăng 10%. Tính đến thời điểm 20/8/2019, cả nước không còn dịch lợn tai xanh và dịch cúm gia cầm; dịch lở mồm long móng còn ở Sóc Trăng; dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 6.959 xã thuộc 592 huyện của 62 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[3].

b) Lâm nghiệp

Trong tháng Tám, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 25 nghìn ha, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 7,1 triệu cây, giảm 1,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.434 nghìn m3, tăng 4,6%; sản lượng củi khai thác đạt 1,5 triệu ste, giảm 3,9%. Một số địa phương có sản lượng gỗ khai thác tăng cao: Quảng Ngãi đạt 141,4 nghìn m3, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2018; Quảng Nam đạt 110 nghìn m3, tăng 10%; Nghệ An đạt 108,3 nghìn m3, tăng 22,9%; Quảng Trị đạt 84,1 nghìn m3, tăng 10,7%.

Tính chung 8 tháng, diện tích rừng trồng tập trung ước tính đạt 148,8 nghìn ha, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 47,9 triệu cây, giảm 2,9%; sản lượng gỗ khai thác đạt 9.934 nghìn m3, tăng 4,3%; sản lượng củi khai thác đạt 12,2 triệu ste, giảm 1,9%.

Trong tháng 8/2019, diện tích rừng bị thiệt hại là 480,7 ha, gấp 6,9 lần cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu là do cháy rừng với 435,1 ha, gấp 24,1 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 45,6 ha, giảm 12,4%. Một số địa phương có diện tích rừng bị cháy tăng cao: Phú Yên 178,2 ha, gấp 13 lần so với cùng kỳ năm trước; Quảng Ngãi 93,3 ha; Bình Định 86,6 ha (cùng kỳ năm trước, Quảng Ngãi và Bình Định không xảy ra vụ cháy rừng nào). Tính chung 8 tháng, diện tích rừng bị thiệt hại là 2.281,5 ha, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước, trong đódiện tích rừng bị cháy là 1.890,3 ha, gấp 4,6 lần; diện tích rừng bị chặt phá là 391,2 ha, giảm 7,2%.

c) Thủy sản

Trong tháng Tám, sản lượng thủy sản cả nước ước tính đạt 712,6 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 502,3 nghìn tấn, tăng 5,1%; tôm đạt 103,2 nghìn tấn, tăng 6,1%; thủy sản khác đạt 107,1 nghìn tấn, tăng 2,4%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 411,3 nghìn tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 276,8 nghìn tấn, tăng 5,6%; tôm đạt 91,2 nghìn tấn, tăng 6,5%. Nuôi cá tra tiếp tục đạt khá, sản lượng cá tra tháng Tám ước tính đạt 128,6 nghìn tấn, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Đồng Tháp đạt 45 nghìn tấn, tăng 5,7%; An Giang đạt 40,2 nghìn tấn, tăng 10,4%; Cần Thơ đạt 12,9 nghìn tấn, tăng 0,2%; Bến Tre đạt 10,4 nghìn tấn, tăng 10,4%. Tuy nhiên, do nguồn cung dư thừa nên giá cá tra vẫn ở mức thấp hơn giá thành sản xuất và chưa có dấu hiệu phục hồi[4]. Nuôi tôm đang tiếp tục cho thu hoạch và chuẩn bị xuống giống vụ nuôi mới. Giá tôm thẻ chân trắng có xu hướng tăng so với tháng trước nhưng giá tôm sú tiếp tục giảm. Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh áp dụng công nghệ cao đang phát triển tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Sản lượng tôm thẻ chân trắng ước tính đạt 56,5 nghìn tấn, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó một số địa phương có sản lượng tăng so với cùng kỳ năm trước: Sóc Trăng đạt 25,5 nghìn tấn, tăng 3,8%; Càu Mau đạt 8,1 nghìn tấn, tăng 8%. Sản lượng tôm sú ước tính đạt 31,2 nghìn tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 8/2019 ước tính đạt 301,3 nghìn tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 225,5 nghìn tấn, tăng 4,5%; tôm đạt 12 nghìn tấn, tăng 2,6%; thủy sản khác đạt 63,8 nghìn tấn, tăng 2,4%. Hoạt động khai thác biển những ngày đầu tháng 8 bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và áp thấp nhiệt đới, ước tính sản lượng khai thác biển đạt 281,1 nghìn tấn, tăng 3,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2019, sản lượng thủy sản ước tính đạt 5.228,6 nghìn tấn, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.727,5 nghìn tấn, tăng 6%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.501,1 nghìn tấn, tăng 4,8% (sản lượng khai thác biển đạt 2.380,7 nghìn tấn, tăng 4,9%).

 

 
  2. Sản xuất công nghiệp

Sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2019 đạt mức tăng khá 9,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,6%ngành khai khoáng tăng nhẹ nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô; sản xuất và phân phối điện bảo đảm cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2019 ước tính tăng 5,4% so với tháng trước và tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó ngành khai khoáng tăng cao 14,4% do khai thác than và khai thác quặng kim loại tăng mạnh; chế biến, chế tạo tăng 10,3%; sản xuất và phân phối điện tăng 10,3%; cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,6%.

Tính chung 8 tháng năm 2019, IIP ước tính tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 10,8% của cùng kỳ năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 8,2% và 7,2% của cùng kỳ năm 2017 và năm 2016. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 2,5%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6% (cùng kỳ năm trước tăng 13,1%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.

Trong các ngành công nghiệp cấp II, một số ngành có chỉ số sản xuất 8 tháng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, đóng góp chủ yếu vào tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp: Sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 40,9%; sản xuất kim loại tăng 40,2%; khai thác quặng kim loại tăng 19,3%; sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 15,2%; khai thác than cứng và than non tăng 14,2%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 11,5%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 11,2%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế) tăng 11,1%; dệt tăng 11%. Một số ngành có mức tăng thấp hoặc giảm: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học tăng 3,8% (cùng kỳ năm trước tăng 17%); sản xuất thuốc lá tăng 3,1%; khai khoáng khác (đá, cát, sỏi...) tăng 2,3%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị giảm 0,1%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 1,4% (khai thác dầu thô giảm 6,9%, khai thác khí đốt tự nhiên tăng 3,9%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu giảm 1,7%; sản xuất phương tiện vận tải khác (mô tô, xe máy) giảm 5,1%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu 8 tháng năm nay tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sắt, thép thô tăng 56,9%; xăng, dầu tăng 42,9%; tivi tăng 23,1%; thức ăn cho thủy sản tăng 14,6%; khí hóa lỏng (LPG) tăng 14,1%; than sạch tăng 14%; sơn hóa học tăng 13,3%; thép thanh, thép góc tăng 12%; điện thoại di động tăng 11% (điện thoại thông minh tăng 15,8%); bia các loại và ô tô cùng tăng 10,7%vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 10,5%. Một số sản phẩm tăng thấp hoặc giảm: Phân u rê tăng 1,4%; thức ăn gia súc bằng cùng kỳ năm trước; phân hỗn hợp NPK giảm 1,9%; dầu thô khai thác giảm 6,9%; xe máy giảm 8,3%; đường kính giảm 16,2%linh kiện điện thoại giảm 16,3%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/8/2019 tăng 1,7% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 1,5% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước giảm 1,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 0,5%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 2,5%. Tại thời điểm trên, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 2,4% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo tăng 1,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 2,1%; ngành cung cấp nước và xử lý rác thải, nước thải tăng 2,4%.

Chỉ số sản xuất công nghiệp phân theo ngành công nghiệp

Một số sản phẩm chủ yếu của ngành công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp phân theo ngành công nghiệp

Chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp phân theo địa phương
  3. Tình hình đăng ký doanh nghiệp[5]

Mặc dù số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong tháng giảm so với tháng trước và so với cùng năm trước do tháng 8/2019 trùng với tháng Bảy âm lịch, người dân có tâm lý hạn chế khởi sự kinh doanh nhưng tính chung 8 tháng năm nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt gần 116 nghìn doanh nghiệp, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó số doanh nghiệp thành lập mới tăng 3,5% và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 21,8%. Đáng chú ý, quy mô vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới 8 tháng tăng mạnh, đạt 12,7 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây.

Trong tháng 8/2019, cả nước có 11.177 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 151,3 nghìn tỷ đồng, giảm 9,5% về số doanh nghiệp và tăng 8,7% về số vốn đăng ký so với tháng trước[6]; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt 13,5 tỷ đồng, tăng 20,1%; tổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới là 88,3 nghìn người, giảm 6,9%. Trong tháng, cả nước còn có 1.587 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 41% so với tháng trước; 1.200 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 52%; có 2.096 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, giảm 15,2%; có 1.295 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 9,7%.

Tính chung 8 tháng năm nay, cả nước có 90,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.150,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 31% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018; vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 12,7 tỷ đồng, tăng 26,6%[7]. Nếu tính cả 1.603,7 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của các doanh nghiệp thay đổi tăng vốn thì tổng số vốn đăng ký bổ sung thêm vào nền kinh tế trong 8 tháng năm 2019 là 2.754,4 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, còn có 25,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng lên gần 116 nghìn doanh nghiệpTổng số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong 8 tháng năm nay là 832,3 nghìn người, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo khu vực kinh tế, trong 8 tháng năm nay có 1,3 nghìn doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 1,4% tổng số doanh nghiệp thành lập mới; có 24,5 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, chiếm 27%; có 64,7 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, chiếm 71,6%. Trong đó, phần lớn các lĩnh vực hoạt động có số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước: Có 11,6 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 12,8%), tăng 0,8%; 11,5 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,7%), tăng 5,4%; 7,6 nghìn doanh nghiệp khoa học, công nghệ, dịch vụ tư vấn, thiết kế, quảng cáo và chuyên môn khác (chiếm 8,4%), tăng 14,2%; 5,4 nghìn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (chiếm 6%), tăng 20,2%; 5,3 nghìn doanh nghiệp dịch vụ việc làm, du lịch, cho thuê máy móc thiết bị, đồ dùng và các dịch vụ hỗ trợ khác (chiếm 5,8%), tăng 3,3%... Có 4 lĩnh vực có số doanh nghiệp thành lập mới giảm so với cùng kỳ năm trước: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 29,5 nghìn doanh nghiệp (chiếm 32,6%), giảm 0,5%; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 4,3 nghìn doanh nghiệp (chiếm 4,8%), giảm 5,7%; vận tải, kho bãi có 3,8 nghìn doanh nghiệp (chiếm 4,2%), giảm 1,1%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm có 960 doanh nghiệp (chiếm 1,1%), giảm 20,2%.

Trong 8 tháng năm nay, hầu hết các vùng kinh tế có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước: Vùng Đồng bằng sông Hồng có 27,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 5,5% (vốn đăng ký đạt 325,9 nghìn tỷ đồng, tăng 24,3%); Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 12,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 4,5% (vốn đăng ký 122,6 nghìn tỷ đồng, tăng 10,2%); Tây Nguyên 2,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 9,2% (vốn đăng ký 31,3 nghìn tỷ đồng, tăng 129,4%); Đông Nam Bộ 38,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 2,6% (vốn đăng ký 564,5 nghìn tỷ đồng, tăng 40,9%); Đồng bằng sông Cửu Long 6,2 nghìn doanh nghiệp, tăng 0,3% (vốn đăng ký 65,6 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2%). Riêng vùng Trung du và miền núi phía Bắc có số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước (vốn đăng ký 40,8 nghìn tỷ đồng, tăng 28,4%).

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 8 tháng năm nay là 20,1 nghìn doanh nghiệp, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Theo lĩnh vực hoạt động, có 7,8 nghìn doanh nghiệp ngành bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (chiếm 38,8%), giảm 8% so với cùng kỳ năm trước; có 2,9 nghìn doanh nghiệp xây dựng (chiếm 14,5%), giảm 10,6%; có 2,6 nghìn doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 12,8%), giảm 4,7%; có 1,2 nghìn doanh nghiệp vận tải, kho bãi (chiếm 5,9%), giảm 10,7%; có 1 nghìn doanh nghiệp dịch vụ lưu trú và ăn uống (chiếm 5%), giảm 13,2%...

Trong 8 tháng năm nay còn có 25,7 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, trong đó có 11,4 nghìn doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo chương trình chuẩn hóa dữ liệu từ năm 2018, chiếm 44,4% tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể; doanh nghiệp thông báo giải thể là 8,8 nghìn doanh nghiệp, chiếm 34,2% và 5,5 nghìn doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, chiếm 21,4%.

Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể trong 8 tháng năm 2019 là 10,6 nghìn doanh nghiệp, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có 9,5 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng (chiếm 90,3% tổng số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể), tăng 14%. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy có 4,3 nghìn doanh nghiệp (chiếm 40,4%), tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước; công nghiệp chế biến, chế tạo có 1,1 nghìn doanh nghiệp (chiếm 10,8%), giảm 10,6%; xây dựng có hơn 1 nghìn doanh nghiệp (chiếm 9,8%), tăng 4,2%.

 

Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động

Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn

Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể
   4. Đầu tư

Tình hình thực hiện vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước tháng Tám và 8 tháng năm 2019 mặc dù có dấu hiệu tích cực khi đạt tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch năm cao hơn so với cùng kỳ năm trước[8]nhưng vẫn chưa cải thiện nhiều khi tiếp tục đạt mức tăng thấp nhất trong các năm giai đoạn 2015-2019[9].Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn giữ đà phát triển với mức kỷ lục về số dự án đăng ký cấp mới 8 tháng và số vốn thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây[10].

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng Tám ước tính đạt 31,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm: Vốn Trung ương 4,1 nghìn tỷ đồng, giảm 26,9%; vốn địa phương 27,3 nghìn tỷ đồng, tăng 13%. Tính chung 8 tháng năm nay, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 189,2 nghìn tỷ đồng, bằng 53,1% kế hoạch năm và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2018 bằng 51,8% và tăng 10,4%), gồm có:

- Vốn Trung ương quản lý đạt 23,5 nghìn tỷ đồng, bằng 48,7% kế hoạch năm và giảm 29,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện của Bộ Giao thông Vận tải đạt 4.649 tỷ đồng, bằng 52,8% và giảm 57,5%; Bộ Y tế 2.092 tỷ đồng, bằng 39,5% và tăng 33,7%; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 1.606 tỷ đồng, bằng 47,9% và giảm 55,8%; Bộ Giáo dục và Đào tạo 586 tỷ đồng, bằng 39,7% và tăng 2,7%; Bộ Tài nguyên và Môi trường 526 tỷ đồng, bằng 40,2% và giảm 25,1%; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch 353 tỷ đồng, bằng 47,4% và giảm 2,1%; Bộ Khoa học và Công nghệ 170 tỷ đồng, bằng 53,2% và tăng 39,2%; Bộ Công Thương 125 tỷ đồng, bằng 51,1% và tăng 3,6%; Bộ Xây dựng 111 tỷ đồng, bằng 44,2% và giảm 24,3%; Bộ Thông tin và Truyền thông 72 tỷ đồng, bằng 45,6% và tăng 7%.

- Vốn địa phương quản lý đạt 165,7 nghìn tỷ đồng, bằng 53,8% kế hoạch năm và tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 111,5 nghìn tỷ đồng, bằng 51,5% và tăng 8,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 45,6 nghìn tỷ đồng, bằng 58,3% và tăng 18,3%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 8,6 nghìn tỷ đồng, bằng 65,4% và tăng 16,3%. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước 8 tháng năm 2019 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như sau: Hà Nội đạt 25,9 nghìn tỷ đồng, bằng 52,3% kế hoạch năm và tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước; thành phố Hồ Chí Minh 12,3 nghìn tỷ đồng, bằng 33,4% và giảm 2,6%; Quảng Ninh 5.968 tỷ đồng, bằng 51,6% và tăng 10,1%; Hải Phòng 5.246 tỷ đồng, bằng 57,9% và giảm 0,1%; Thanh Hóa 4.896 tỷ đồng, bằng 62,7% và tăng 22,8%; Bà Rịa - Vũng Tàu 4.269 tỷ đồng, bằng 64,7% và tăng 9,8%; Bình Dương 4.255 tỷ đồng, bằng 52% và tăng 2,6%; Quảng Nam 4.139 tỷ đồng, bằng 55,7% và tăng 24,9%; Đồng Nai 4.019 tỷ đồng, bằng 60,1% và tăng 14,8%.

Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/8/2019 thu hút 2.406 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 9.127,9 triệu USD, tăng 25,4% về số dự án và giảm 32,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 908 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 3.989,9 triệu USD, giảm 28,6% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, tổng số vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm trong 8 tháng năm nay đạt 13.117,8 triệu USD, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 8 tháng ước tính đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong 8 tháng còn có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có 872 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 5,9 tỷ USD và 4.363 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 3,61 tỷ USD.

Trong 8 tháng năm nay, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký của các dự án được cấp phép mới đạt 6.807,1 triệu USD, chiếm 74,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 852,3 triệu USD, chiếm 9,3%; các ngành còn lại đạt 1.468,5 triệu USD, chiếm 16,1%. Nếu tính cả vốn đăng ký bổ sung của các dự án đã cấp phép từ các năm trước thì vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong 8 tháng đạt 10.348,3 triệu USD, chiếm 78,9% tổng vốn đăng ký; ngành hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 729 triệu USD, chiếm 5,6%; các ngành còn lại đạt 2.040,5 triệu USD, chiếm 15,5%. Đối với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 5.392 triệu USD, chiếm 56,7% tổng giá trị góp vốn; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1.582,8 triệu USD, chiếm 16,6%; các ngành còn lại đạt 2.535,2 triệu USD, chiếm 26,7%.

Trong số 68 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 8 tháng, Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.876,2 triệu USD, chiếm 20,6% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Hàn Quốc 1.721,4 triệu USD, chiếm 18,9%; Nhật Bản 1.184,5 triệu USD, chiếm 13%; Đặc khu Hành chính Hồng Công (TQ) 1.109,6 triệu USD, chiếm 12,2%; Xin-ga-po 1.034,4 triệu USD, chiếm 11,3%; Thái Lan 438,3 triệu USD, chiếm 4,8%; Đài Loan 374,1 triệu USD, chiếm 4,1%; Quần đảo Vigin thuộc Anh 341,4 triệu USD, chiếm 3,7%.

Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 8 tháng năm nay có 102 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn của phía Việt Nam là 339,5 triệu USD; 23 dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm là 99,5 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) 8 tháng năm 2019 đạt 439 triệu USD, trong đó lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác đạt 96,7 triệu USD, chiếm 22% tổng vốn đầu tư; nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 88,6 triệu USD, chiếm 20,2%; hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ đạt 83,4 triệu USD, chiếm 19%; hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 72 triệu USD, chiếm 16,4%[11]. Trong 8 tháng có 30 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó Ô-xtrây-li-a là nước dẫn đầu với 178,9 triệu USD[12], chiếm 40,7% tổng vốn đầu tư; Tây Ban Nha 59,8 triệu USD, chiếm 13,6%; Hoa Kỳ 49,3 triệu USD, chiếm 11,2%; Cam-pu-chia 38,5 triệu USD, chiếm 8,8%; Xin-ga-po 35,6 triệu USD, chiếm 8,1%.

 

Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 8 và 8 tháng năm 2019

Đầu tư trực tiếp của nước ngoài được cấp phép từ 01/01- 20/8/2019

 

   5. Thu, chi ngân sách Nhà nước

Trong 8 tháng năm 2019, tiến độ thu ngân sách Nhà nước duy trì ổn định, có 7/12 khoản thu nội địa so với dự toán đạt tiến độ khá và cao hơn mức bình quân chung; chi ngân sách tiếp tục bảo đảm đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ đầu tư phát triển, chi trả nợ, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2019 ước tính đạt 932,1 nghìn tỷ đồng, bằng 66% dự toán năm, trong đó thu nội địa 751,8 nghìn tỷ đồng, bằng 64,1%; thu từ dầu thô 36,3 nghìn tỷ đồng, bằng 81,3%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 141,2 nghìn tỷ đồng, bằng 74,6%. Trong thu nội địa, thu từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước đạt 101,8 nghìn tỷ đồng, bằng 57,3% dự toán năm; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) 128 nghìn tỷ đồng, bằng 59,9%; thu thuế công, thương nghiệp và dịch vụ ngoài Nhà nước 149,3 nghìn tỷ đồng, bằng 61,8%; thu thuế thu nhập cá nhân 73,2 nghìn tỷ đồng, bằng 64,7%; thu thuế bảo vệ môi trường 34 nghìn tỷ đồng, bằng 49,3%; thu tiền sử dụng đất 73,6 nghìn tỷ đồng, bằng 81,7%.

Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2019 ước tính đạt 834,9 nghìn tỷ đồng, bằng 51,1% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 607,2 nghìn tỷ đồng, bằng 60,8%; chi đầu tư phát triển 144,5 nghìn tỷ đồng, bằng 33,7%; chi trả nợ lãi 71,3 nghìn tỷ đồng, bằng 57,1%.

6. Thương mại, giá cả, vận tải và du lịch

a) Bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng

Tháng Tám chịu ảnh hưởng của mưa bão, cũng là tháng trùng với tháng Bảy âm lịch khiến tâm lý người dân hạn chế mua sắm nên hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng chỉ tăng nhẹ 0,4% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tiếp tục đạt tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước (11,5%), thể hiện cầu tiêu dùng trong dân tăng.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Tám ước tính đạt 414,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,4% so với tháng trước và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 313,6 nghìn tỷ đồng, tăng 1% và tăng 13,3%; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 49 nghìn tỷ đồng, giảm 2,7% và tăng 9,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, giảm 1,2% và tăng 8,7%; doanh thu dịch vụ khác đạt 48 nghìn tỷ đồng, tăng 0,2% và tăng 9,2%.

Tính chung 8 tháng năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.215,5 nghìn tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước[13], nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,03% (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,98%).

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng đạt 2.444,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 76% tổng mức và tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng13,6%; lương thực, thực phẩm tăng 13,6%; may mặc tăng 10,6%đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 10,9%; phương tiện đi lại tăng 8,5%. Một số địa phương có mức tăng khá: Quảng Ninh tăng 19,5%; Bình Dương tăng 17,5%; Thanh Hóa tăng 15%; Hải Phòng tăng 14,7%; Nghệ An và Bình Định cùng tăng 13,9%; Đà Nẵng tăng 13,5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 13,3%; Hà Nội tăng 13%.

Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống 8 tháng năm nay ước tính đạt 385,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 12% tổng mức và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó Bình Định tăng 19%; Hải Phòng tăng 17,2%;Quảng Bình tăng 16,2%; Thanh Hóa và Quảng Ninh cùng tăng 15,7%; Cần Thơ tăng 14,9%; Hà Nội tăng 11,1%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,5%.

Doanh thu du lịch lữ hành 8 tháng ước tính đạt 29,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,9% tổng mức và tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu của Bình Định tăng 18,6%; Thanh Hóa tăng 14,9%; Khánh Hòa tăng 14,5%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 12,5%; Lâm Đồng tăng 10,1%; Thừa Thiên - Huế tăng 9,5%; Hà Nội tăng 7,4%.

Doanh thu dịch vụ khác 8 tháng ước tính đạt 355,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,1% tổng mức và tăng 7% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó doanh thu của Bình Định tăng 16,9%; Cần Thơ tăng 12%; Đà Nẵng tăng 10,3%; Hải Phòng tăng 9,4%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 8,3%; Ninh Bình tăng 5,7%; Hà Nội tăng 5%.

 

 

b) Xuất, nhập khẩu hàng hóa

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 8 tháng năm 2019 ước tính đạt 336,56 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 8 tháng của khu vực kinh tế trong nước đạt 13,9%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (4,6%) và tỷ trọng của khu vực kinh tế trong nước tiếp tục xu hướng tăng lên, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (cùng kỳ năm trước là 28,8%). Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng ước tính xuất siêu 3,4 tỷ USD, trong đó riêng tháng Tám xuất siêu 1,7 tỷ USD, tương đương với giá trị xuất siêu của 7 tháng năm 2019, kết quả này là nhờ đóng góp của nhóm hàng điện thoại và linh kiện với kim ngạch xuất khẩu 8 tháng lên tới 33 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa.

Xuất khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu thực hiện tháng 7/2019 đạt 22.979 triệu USD, cao hơn 379 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện thoại và linh kiện cao hơn 193 triệu USD; đá quý, kim loại quý cao hơn 81 triệu USD; thủy sản cao hơn 53 triệu USD; hàng dệt may cao hơn 47 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8/2019 ước tính đạt 24,50 tỷ USD, tăng 6,6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 7,34 tỷ USD, giảm 4,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 17,16 tỷ USD, tăng 12,4%. Một số mặt hàng xuất khẩu trong tháng Tám có kim ngạch tăng so với tháng trước: Than đá tăng 103,6%; điện thoại và linh kiện tăng 37,8%, chủ yếu do Samsung đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm Glaxy Note 10; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 8,6%; đá quý, kim loại quý tăng 3,9%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng Tám tăng 4,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 0,9%. Một số mặt hàng xuất khẩu có giá trị tăng caoĐá quý, kim loại quý tăng 714,6%; giày dép tăng 14,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng 12,9%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 10,1%; điện thoại và linh kiện tăng 7%.

Tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 169,98 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 52,04 tỷ USD, tăng 13,9%, chiếm 30,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 117,94 tỷ USD, tăng4,6%, chiếm 69,4% (tỷ trọng giảm 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước).

Trong 8 tháng có 26 mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm tới 89,5% tổng kim ngạch xuất khẩu (5 mặt hàng đạt giá trị trên 10 tỷ USD, chiếm 58,7%), trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 33 tỷ USD, chiếm 19,4% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 21,9 tỷ USD, tăng 14,3%; hàng dệt may đạt 21,7 tỷ USD, tăng 9,8%; giày dép đạt 12 tỷ USD, tăng 13,1%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 11,3 tỷ USD, tăng 5,8%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 6,5 tỷ USD, tăng 15,4%; phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 5,7tỷ USD, tăng 7%. Trong 8 tháng, hầu hết các mặt hàng trong nhóm nông, lâm nghiệp, thủy sản có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước: Thủy sản đạt 5,4 tỷ USD, giảm 2,6%; rau quả đạt 2,5 tỷ USD, giảm 6%; các mặt hàng hạt điều, hạt tiêu và gạo mặc dù lượng xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm 2018 nhưng do giá xuất khẩu bình quân giảm mạnh làm cho kim ngạch xuất khẩu giảm, trong đó hạt điều đạt 2,1 tỷ USD, giảm 9,4% (lượng tăng 15,8%), gạo đạt gần 2 tỷ USD, giảm 14,2% (lượng tăng 0,1%),hạt tiêu đạt 571 triệu USD, giảm 2,1% (lượng tăng 27,9%); đặc biệt mặt hàng cà phê giảm mạnh cả về kim ngạch và lượng, giá trị xuất khẩu đạt 2 tỷ USD, giảm 20% (lượng giảm 10,3%). Riêng cao su đạt 1,3tỷ USD, tăng 7,2% (lượng tăng 9,1%).

Về thị trường hàng hóa xuất khẩu 8 tháng năm 2019, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 38,6 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường EU đạt 27,7 tỷ USD, giảm 0,5%; Trung Quốc đạt 23,8 tỷ USD, giảm 2,5%; thị trường ASEAN đạt 17,3 tỷ USD, tăng 3,6%; Nhật Bản đạt 13,4 tỷ USD, tăng 9,9%; Hàn Quốc đạt 12,6 tỷ USD, tăng 5,3%.

Nhập khẩu hàng hóa

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu thực hiện tháng 7/2019 đạt 22.936 triệu USD, cao hơn 536 triệu USD so với số ước tính, trong đó điện tử, máy tính và linh kiện cao hơn 414 triệu USD; xăng dầu cao hơn 193 triệu USD; điện thoại và linh kiện cao hơn 182 triệu USD; vải thấp hơn 42 triệu USD; kim loại thường thấp hơn 46 triệu USD; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép thấp hơn 74 triệu USD.

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Tám ước tính đạt 22,8 tỷ USD, giảm 0,6% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 9,3 tỷ USD, giảm 3,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 13,5 tỷ USD, tăng 1,6%. Kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng giảm so với tháng trước: Vải và nguyên phụ liệu dệt may, giày dép cùng giảm 5%; sắt thép giảm 5,4%; ô tô giảm 15,6%. So với cùng kỳ năm 2018, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng Tám tăng 7,5%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 19,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 0,8%. Một số mặt hàng có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 620,4%; than đá tăng 102,3%; điện tử, máy tính và linh kiện tăng22,2%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng tăng 15,5%.

Tính chung 8 tháng năm 2019, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu ước tính đạt 166,58 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 70,43 tỷ USD, tăng 13,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 96,15 tỷ USD, tăng 4,8%.

Trong 8 tháng có 33 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 89,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (2 mặt hàng đạt giá trị trên 20 tỷ USD, chiếm 34,6%), trong đó một số mặt hàng tăng so với cùng kỳ năm trước: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 33,6 tỷ USD (chiếm 20,2% tổng kim ngạch nhập khẩu), tăng 21%; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 24 tỷ USD, tăng 12,9%; vải đạt 8,8 tỷ USD, tăng 4,8%; chất dẻo đạt 6 tỷ USD, tăng 2%; ô tô đạt 4,9 tỷ USD, tăng 60,3%. Bên cạnh đó, một số mặt hàng có giá trị giảm so với cùng kỳ năm 2018: Điện thoại và linh kiện đạt 8,7 tỷ USD, giảm 5,9%; sắt thép đạt 6,4 tỷ USD, giảm 4,4%; kim loại thường đạt 4,2 tỷ USD, giảm 19%.

Về thị trường hàng hóa nhập khẩu 8 tháng năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 49,2 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 31 tỷ USD, giảm 0,3%; thị trường ASEAN đạt 21,6 tỷ USD, tăng 4,6%; Nhật Bản đạt 12,4 tỷ USD, tăng 0,6%; thị trường EU đạt 9,9 tỷ USD, tăng 11,8%; Hoa Kỳ đạt 9,4 tỷ USD, tăng 9%.

Cán cân thương mại hàng hóa thực hiện tháng Bảy xuất siêu 43 triệu USD[14]7 tháng xuất siêu 1,7 tỷ USD. Tháng Tám ước tính xuất siêu 1,7 t USD. Tính chung 8 tháng năm 2019 ước tính xuất siêu 3,4 tỷ USD[15] (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,9 tỷ USD), trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 18,4tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 21,8 tỷ USD.

 

Hàng hóa xuất khẩu

Hàng hóa nhập khẩu

 

c) Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và chỉ số giá đô la Mỹ

Bên cạnh việc kiên định chính sách tiền tệ linh hoạt giữ vững mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, trong tháng giá dịch vụ y tế, giá dịch vụ giáo dục được điều chỉnh tăng theo lộ trình nhằm tiệm cận với giá thị trường, giá thịt lợn tăng do nguồn cung giảm là những yếu tố chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng tháng 8/2019 tăng 0,28% so với tháng trước, bình quân 8 tháng tăng 2,57% so với cùng kỳ năm 2018, đây là mức tăng bình quân 8 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây[16].

Trong mức tăng 0,28% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8/2019 so với tháng trước có 8/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, trong đó nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng cao nhất 2,81% (dịch vụ y tế tăng 3,64%)[17]. Nhóm giáo dục tăng 0,57% (dịch vụ giáo dục tăng 0,54%) do một số địa phương thực hiện tăng học phí năm học mới 2019-2020. Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,33%, chủ yếu do nhóm nhà ở thuê tăng 0,43%; chỉ số giá điện tăng 0,33%; chỉ số giá nước tăng 0,28%. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,24%, trong đó nhóm lương thực tăng 0,31%[18]; thực phẩm tăng 0,29%[19]. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,05%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,03%; hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,14%. Ba nhóm có chỉ số giá giảm là: giao thông giảm 0,46%[20]; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,06%; bưu chính viễn thông giảm 0,05%.

CPI bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ năm 2018; CPI tháng 8/2019 tăng 1,87% so với tháng 12/2018 và tăng 2,26% so với cùng kỳ năm trước.

Lạm phát cơ bản tháng 8/2019 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 1,95% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân 8 tháng năm 2019 tăng 1,9% so với bình quân cùng kỳ năm 2018.

Giá vàng trong nước tiếp tục tăng theo giá vàng thế giới do căng thẳng địa chính trị ở khu vực Trung Đông, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và đồng đô la Mỹ giảm giá do Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ giảm lãi suất từ ngày 31/7/2019. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 24/8/2019 tăng 5,46% so với tháng 7/2019. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 8/2019 tăng 4,61% so với tháng trước; tăng 14,33% so với tháng 12/2018 và tăng 14,93% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 8/2019 giảm 0,17% so với tháng trước; giảm 0,38% so với tháng 12/2018 và giảm 0,13% so với cùng kỳ năm trước.

 

 

d) Vận tải hành khách và hàng hóa

Hoạt động vận tải trong 8 tháng năm 2019 duy trì mức tăng khá so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt ngành đường bộ và đường hàng không, do cơ sở hạ tầng đường bộ được đầu tư lớn, kết nối thuận tiện giữa cácđịa phương; các hãng hàng không tập trung đầu tư thuê, mua máy bay mới phục vụ sản xuất kinh doanhvà với mức giá vé linh hoạt đã thu hút hành khách sử dụng dịch vụ; riêng vận tải đường sắt tiếp tục xu hướng giảm cả về vận tải hành khách và hàng hóa.

Vận tải hành khách tháng Tám ước tính đạt 433,4 triệu lượt khách, tăng 1,4% so với tháng trước và 21,1 tỷ lượt khách.km, tăng 1,9%. Tính chung 8 tháng năm 2019, vận tải hành khách đạt 3.356,8 triệu lượt khách, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước và 155,9 tỷ lượt khách.km, tăng 9,8%, trong đó vận tải trong nước đạt 3.344 triệu lượt khách, tăng 10,5% và 120,6 tỷ lượt khách.km, tăng 11,5%; vận tải ngoài nước đạt 12,8 triệu lượt kháchtăng 4% và 35,3 tỷ lượt khách.km, tăng 4,4%. Xét theo ngành vận tải,đường bộ đạt 3.172,7 triệu lượt khách, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước và 106,4 tỷ lượt khách.km, tăng 10,5%; đường thủy nội địa đạt 134,7 triệu lượt khách, tăng 5,7% và 2.634,1 triệu lượt khách.km, tăng 6,9%; đường biển đạt 5,1 triệu lượt khách, tăng 5% và 304,1 triệu lượt khách.km, tăng 5,5%; đường hàng không đạt 38,2 triệu lượt khách, tăng 9,5% và 44 tỷ lượt khách.km, tăng 9,3%; riêng vận tải đường sắt đạt 6,1 triệu lượt khách, giảm 4,5% và 2.542,2 triệu lượt khách.km, giảm 6,1%.

Vận tải hàng hóa tháng Tám ước tính đạt 140,1 triệu tấn, tăng 0,4% so với tháng trước và 27,1 tỷ tấn.km, tăng 1,3%. Tính chung 8 tháng, vận tải hàng hóa đạt 1.102,7 triệu tấn, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước và 210,5 tỷ tấn.km, tăng 7,4%, trong đó vận tải trong nước đạt 1.080,5 triệu tấn, tăng 8,9% và 118tỷ tấn.km, tăng 10,6%; vận tải ngoài nước đạt 22,2 triệu tấn, tăng 3,2% và 92,5 tỷ tấn.km, tăng 3,6%. Xét theo ngành vận tải, đường bộ 8 tháng đạt 847,1 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước và 56,7 tỷ tấn.km, tăng 10,2%; đường thủy nội địa đạt 198,4 triệu tấn, tăng 5,3% và 41,5 tỷ tấn.km, tăng 6%; đường biển đạt 53,6 triệu tấn, tăng 5,1% và 109,3 tỷ tấn.km, tăng 6,9%; đường hàng không đạt 285,7 nghìn tấn, tăng 12,2% và 730,7 triệu tấn.km, tăng 12,8%; đường sắt đạt 3,3 triệu tấn, giảm 11,3% và 2,4 tỷ tấn.km, giảm 9,3%. 

 

Vận tải hành khách

Vận tải hàng hoá

 

   e) Khách quốc tế đến Việt Nam

Khánh quốc tế đến nước ta trong tháng 8 tiếp tục đà tăng cao trên 14% so với tháng trước và cùng kỳ năm trước, đạt hơn 1,51 triệu lượt khách[21], tính chung 8 tháng đạt 11,3 triệu lượt khách, trong đó chiếm tỷ trọng lớn nhất và có tốc độ tăng cao nhất là khách đến từ các nước châu Á.

Khách quốc tế đến nước ta trong tháng Tám ước tính đạt 1.512,4 nghìn lượt người, tăng 14,9% so với tháng trước và tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ châu Á tăng 17,3%; từ châu Âu tăng 3,8%; từ châu Mỹ tăng 5,1%; từ châu Úc giảm 7,3%; từ châu Phi tăng 6,8%. Tính chung 8 tháng năm nay, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 11.309,2 nghìn lượt người, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến bằng đường hàng không đạt 8.890,7 nghìn lượt người, tăng 5,6%; bằng đường bộ đạt 2.246,7 nghìn lượt người, tăng 24,9%; bằng đường biển đạt 171,8 nghìn lượt người, giảm6%.

Trong 8 tháng, khách đến từ châu Á đạt 8.828,4 nghìn lượt người, chiếm 78,1% tổng số khách du lịch đến nước ta, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách đến từ Trung Quốc đạt 3.372,3 nghìn lượt người, giảm 0,9%; Hàn Quốc 2.801,1 nghìn lượt người, tăng 22,5%; Nhật Bản 620,7 nghìn lượt người, tăng 13,7%; Đài Loan 596,4 nghìn lượt người, tăng 27,1%; Ma-lai-xi-a 382,8 nghìn lượt người, tăng14,6%; Thái Lan 311 nghìn lượt người, tăng 46,3%; Xin-ga-po 189,8 nghìn lượt người, tăng 5,4%.

Khách đến từ châu Âu ước tính đạt 1.478,6 nghìn lượt người, tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó: Khách đến từ Liên bang Nga 436,8 nghìn lượt người, tăng 5,7%; Vương quốc Anh 216,7 nghìn lượt người, tăng 4,5%; Pháp 200,9 nghìn lượt người, tăng 0,9%; Đức 149,7 nghìn lượt người, tăng 5,6%. Khách đến từ châu Mỹ đạt 676 nghìn lượt người, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách đến từ Hoa Kỳ đạt 520,4 nghìn lượt người, tăng 7,1%. Khách đến từ châu Úc đạt 296 nghìn lượt người, giảm 1,5%, trong đó khách đến từ Ô-xtrây-li-a đạt 262,7 nghìn lượt người, giảm 1,4%. Khách đến từ châu Phi đạt 30,2 nghìn lượt người, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2018.

 

 

7. Một số tình hình xã hội

a) Thiếu đói trong nông dân

Tình hình thiếu đói trong tháng Tám được cải thiện, cả nước chỉ có 6 địa phương phát sinh thiếu đói vớikhoảng 1 nghìn hộ thiếu đói, giảm 66,2% so với cùng kỳ năm 2018, tương ứng với 4,4 nghìn nhân khẩu thiếu đói, giảm 64,3%. Tính chung 8 tháng năm 2019, cả nước có 66,8 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 32,7% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với hơn 270 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 31,8%. Để khắc phục tình trạng thiếu đói, từ đầu năm đến nay, các cấp, các ngành, các tổ chức từ Trung ương đến địa phương đã hỗ trợ các hộ thiếu đói hơn 3,9 nghìn tấn gạo.

b) Tình hình dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm

Trong tháng Tám tình hình mắc sốt xuất huyết tiếp tục diễn biến phức tạp, số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh trên cả nước với 49,1 nghìn trường hợp (11 trường hợp tử vong), gấp gần 2 lần tháng trước; hơn 4 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng; 52 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút; 4 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu; 1,8 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 502 trường hợp mắc sởi dương tính (1 trường hợp tử vong); 82 người bị ngộ độc thực phẩmTính chung 8tháng năm 2019, cả nước có 145,1 nghìn trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết (18 trường hợp tử vong); 26,9 nghìn trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (2 trường hợp tử vong); 385 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do vi rút (11 trường hợp tử vong); 17 trường hợp mắc bệnh viêm màng não do mô cầu (1 trường hợp tử vong); 32,8 nghìn trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 6,1 nghìn trường hợp mắc sởi dương tính (4 trường hợp tử vong) và 1.454 người bị ngộ độc thực phẩm (9 người tử vong).

Tổng số người nhiễm HIV của cả nước hiện còn sống tính đến thời điểm 18/8/2019 là 209,6 nghìn người và số trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS là 96,83 nghìn người; số người tử vong do HIV/AIDS của cả nước tính đến thời điểm trên là 98,38 nghìn người.

c) Tai nạn giao thông

Trong tháng (từ 16/7 đến 15/8), trên địa bàn cả nước đã xảy ra 1.511 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 810 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 701 vụ va chạm giao thông, làm 629 người chết, 457 người bị thương và 669 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông tháng 8/2019 tăng 5,5% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên tăng 7% và số vụ va chạm giao thông tăng 3,9%); số người chết giảm 3,2%; số người bị thương tăng 16,9% và số người bị thương nhẹ giảm 4,8%. Đáng lưu ý, trong tháng xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng như: Vụ tai nạn giữa tàu hỏa và xe ô tô xảy ra ngày 31/7 tại Bình Thuận làm 3 người chết; vụ tai nạn xe khách xảy ra ngày 3/8 trên đường Hồ Chí Minh làm 4 người chết và 1 người bị thương; vụ tai nạn xe khách xảy ra ngày 18/8 tại Bình Dương làm 10 người bị thương; vụ tai nạn giữa 2 xe khách xảy ra ngày 21/8 tại Khánh Hòa làm 1 người chết và 40 người bị thương.

Tính chung 8 tháng năm 2019, trên địa bàn cả nước đã xảy ra 11.331 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 6.020 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 5.311 vụ va chạm giao thông, làm 5.096 người chết, 3.242 người bị thương và 5.345 người bị thương nhẹ. So với cùng kỳ năm trước, số vụ tai nạn giao thông trong 8 tháng năm nay giảm 3,8% (Số vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên giảm 1,1%; số vụ va chạm giao thông giảm 6,8%); số người chết giảm 5%; số người bị thương giảm 0,2% và số người bị thương nhẹ giảm 10,2%. Bình quân 1 ngày trong 8 tháng, trên địa bàn cả nước xảy ra 47 vụ tai nạn giao thông, bao gồm 25 vụ tai nạn giao thông từ ít nghiêm trọng trở lên và 22 vụ va chạm giao thông, làm 21 người chết, 13 người bị thương và 22 người bị thương nhẹ.

d) Thiệt hại do thiên tai

Thiên tai xảy ra trong tháng 8/2019 chủ yếu là bão, mưa lớn, lũ quét, ngập lụt, lốc xoáy và sạt lở đất tại một số địa phương làm 41 người chết và mất tích, 30 người bị thương; 529 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi và hơn 16 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, ngập và hư hỏng; 28 nghìn ha lúa và 4,8 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng. Theo báo cáo sơ bộ từ các địa phương, tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra trong tháng ước tính gần 2 nghìn tỷ đồng. Riêng cơn bão số 3 xảy ra ở khu vực phía Bắc đã làm 22 người chết và mất tích; 13 người bị thương; 289 ngôi nhà bị sập; gần 10 nghìn ngôi nhà bị ngập và hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại do bão số 3 gây ra là 1,2 nghìn tỷ đồng, trong đó Thanh Hóa là địa phương chịu thiệt hại nhiều nhất với 16 người chết và mất tích; 6 người bị thương; hơn 1,2 nghìn ha lúa và hoa màu bị hư hỏng; 1,7 nghìn con gia súc bị chết; 94 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; 2,1 nghìn ngôi nhà bị ngập và hư hỏng, thiệt hại về tài sản ước tính 864 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng, thiên tai làm 75 người chết và mất tích, 77 người bị thương; 685 ngôi nhà bị sập đổ, cuốn trôi; hơn 19 nghìn ngôi nhà bị tốc mái và hư hỏng; 30 nghìn ha lúa và 6,8 nghìn ha hoa màu bị hư hỏng. Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai xảy ra trong 8 tháng ước tính 2,2 nghìn tỷ đồng.

e) Bảo vệ môi trường và phòng chống cháy, nổ

Trong tháng Tám, cơ quan chức năng đã phát hiện 1.022 vụ vi phạm môi trường, trong đó xử lý 945 vụ với tổng số tiền phạt 13,5 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng đã phát hiện 8.118 vụ vi phạm môi trường trên địa bàn cả nước, trong đó xử lý 7.404 vụ với tổng số tiền phạt 79,5 tỷ đồng.

Trong tháng 8/2019, trên địa bàn cả nước xảy ra 316 vụ cháy, nổ, làm 6 người chết và 6 người bị thương, thiệt hại ước tính hơn 76 tỷ đồng. Tính chung 8 tháng, cả nước xảy ra 2.720 vụ cháy, nổ, làm 71 người chết và 119 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 858 tỷ đồng./.

 

 

 

TỔNG CỤC THỐNG KÊ

Infographic 8 tháng năm 2019

 

 



[1] Một số địa phương có diện tích lúa hè thu giảm nhiều: Kiên Giang giảm 14,4 nghìn ha, trong đó 12,9 nghìn ha giảm do chuyển đổi cơ cấu mùa vụ từ hè thu sang thu đông; Tiền Giang giảm 11,9 nghìn ha, trong đó 2,7 nghìn ha chuyển sang trồng cây hàng năm và 8,3 nghìn ha chuyển sang trồng cây ăn quả; Bình Thuận giảm 4,7 nghìn ha, trong đó 2 nghìn ha ngừng sản xuất để cải tạo đất, hạn chế sâu bệnh phát sinh, chuyển sang trồng lúa mùa và 1,9 nghìn ha chuyển sang trồng cây hàng năm khác.

[2] Số lượng lợn bị tiêu hủy trong tháng Bảy là 883,7 nghìn con, trong tháng Tám (tính đến ngày 20/8) là 492,5 nghìn con.

[3] Địa phương chưa xảy ra dịch tả lợn châu Phi là Ninh Thuận.

[4] Hiện tại giá cá tra dao động từ 19.000-20.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi lỗ từ 3.000-4.500 đồng/kg.

[5] Nguồn: Hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

[6] So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp giảm 4,1%; số vốn đăng ký tăng 40,6%.

[7] 8 tháng năm 2018, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước; số vốn đăng ký tăng 6,9%; vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp tăng 4,3%.

[8] Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN tháng Tám so với kế hoạch năm giai đoạn 2015-2019 lần lượt là: 9,6%; 8,9%; 8,4%; 8,5%; 8,8%. Tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện từ nguồn NSNN 8 tháng so với kế hoạch năm giai đoạn 2015-2019 lần lượt là: 62,8%; 56,5%; 53,6%; 51,8%; 53,1%.

[9] Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN tháng Tám so với cùng kỳ năm trước: năm 2015 là 12,6%; năm 2016 là 16,5%; năm 2017 là 6,1%; năm 2018 là 14,7%; năm 2019 là 5,5%. Tốc độ tăng vốn đầu tư từ nguồn NSNN 8 tháng so với cùng kỳ năm trước: năm 2015 là 7,3%; năm 2016 là 12,7%; năm 2017 là 6,4%; năm 2018 là 10,4%; năm 2019 là 3,8%.

[10] Số dự án cấp mới 8 tháng các năm 2015-2019 lần lượt là: 1.219 dự án; 1.619 dự án; 1.624 dự án; 1.918 dự án, 2.406 dự án. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện các năm 2015-2019 lần lượt là: 9 tỷ USD; 9,8 tỷ USD; 10,3 tỷ USD; 11,3 tỷ USD; 12 tỷ USD.

[11] Trong đó: Dự án xây dựng một tòa nhà tổ hợp 30 tầng (bao gồm 259 căn hộ, một bãi đậu xe hai tầng để kinh doanh) trị giá 20 triệu USD tại Canada của CTCP Đầu tư Pax International.

[12] Trong đó: Dự án chăn thả đàn bò tự nhiên; trang trại chăn nuôi, trồng bông, hướng dương, ngô tươi sạch, du lịch trang trại trị giá 46,5 triệu USD tại Úc của CTCP Thực phẩn sữa TH; Dự án chăn thả tự nhiên đàn bò, tăng cường năng lực trang trại theo hướng đầu tư hiệu quả, gia tăng lợi nhuận; trồng và chế biến nước ép xoài, tinh dầu từ gỗ đàn hương có chất lượng cao trị giá 42 triệu USD tại Úc của CTPC Sữa Đà Lạt; Dự án đầu tư, xây dựng nhà để bán và cho thuê thương mại trị giá 38 triệu USD của CTCP Đầu tư IMG và CTCP Đầu tư Phát triển ADPG tại Úc.

[13] Thấp hơn mức tăng của 8 tháng năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng 8 tháng của các năm giai đoạn 2015-2017. Tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng các năm 2015-2019 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 10,9%; 9,9%; 10,4%; 12,1%; 11,5%.

[14] Tháng Bảy ước tính xuất siêu 200 triệu USD.

[15] Trong đó, xuất siêu sang EU đạt 17,8 tỷ USD, giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 25,4 tỷ USD, tăng 47,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 18,4 tỷ USD, giảm 3,8%; nhập siêu từ ASEAN 4,3 tỷ USD, tăng 8,6%.

[16] Tốc độ tăng CPI bình quân 8 tháng năm 2017, năm 2018, năm 2019 so với cùng kỳ năm trước lần lượt là: 3,84%; 3,52% và 2,57%.

[17] Giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo Thông tư số 13/2019/TT-BYT ngày 5/7/2019 và Thông tư số 37/2018/TT-BYT ngày 30/11/2018 làm CPI chung tăng 0,14%.

[18] Do chỉ số giá gạo tăng 0,31%; chỉ số giá nhóm bột mì, bột ngũ cốc khác tăng 1,65% (giá ngô tăng 0,86%; giá khoai tăng 3,06%; giá sắn tăng 1,03%).

[19] Chủ yếu do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung thịt lợn giảm, làm giá thịt lợn tăng 0,89% so với tháng trước, tác động CPI chung tăng 0,04%, đồng thời làm giá các sản phẩm chế biến từ thịt lợn tăng: giá thịt quay, giò chả tăng 0,36%; giá thịt hộp, chế biến khác tăng 0,01%.

[20] Do ảnh hưởng từ 2 đợt điều chỉnh giảm giá xăng, dầu vào thời điểm 1/8/2019 và 16/8/2019 làm giá xăng, dầu giảm 1,06% (tác động CPI chung giảm 0,04%).

[21] Đây là tháng thứ ba kể từ đầu năm có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,5 triệu lượt khách (Tháng 1: 1,50 triệu lượt khách, tháng 2: 1,59 triệu lượt khách, tháng 8: 1,51 triệu lượt khách).

Theo https://www.gso.gov.vn

luật doanh nghiệp

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ bộ phận tư vấn pháp luật doanh nghiệp: 0962893900 (Trưởng phòng Doanh nghiệp Phạm Trang)

Rất mong nhận được sự hợp tác!

Trân trọng./.

CÔNG TY LUẬT TNHH QUỐC TẾ HỒNG THÁI VÀ ĐỒNG NGHIỆP

Tổng đài Tư vấn miễn phí: 1900 6248 - Email: luathongthai@gmail.com

Địa chỉ: LK 9-38 Tổng cục 5, Tân Triều, Hà Nội (cuối đường Chiến Thắng, Thanh Xuân)

Chi nhánh: 134 Khuất Duy Tiến, Thanh Xuân, Hà Nội (Phòng Doanh nghiệp)

Phạm Trang

Có thể bạn quan tâm:


Gửi thông tin cần tư vấn


Họ tên(*)

Số điện thoại(*)
Fax
Email
Địa chỉ
Yêu cầu



Giới thiệu Thành lập doanh nghiệp Tư vấn đầu tư
Thuế/ Lao động / Bảo hiểm xã hội Sở hữu trí tuệ Tư vấn doanh nghiệp
Liên hệ Văn bản pháp luật Tra cứu
GIải quyết tranh chấp Giải trí