Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu.
Câu hỏi: Xin chào luật sư, tôi đang có một tác phẩm muốn đăng ký bảo hộ quyền tác giả, nhưng tôi vẫn đang thắc mắc, tôi nên đăng ký bản quyền tác giả dưới danh nghĩa cá nhân tôi hay công ty, nơi tôi đang làm việc? xin luật sư tư vấn giúp, tôi xin cảm ơn!
Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến công ty luật Hồng Thái, với thắc mắc của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:
Căn cứ pháp lý:
Nội dung:
Căn cứ Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định:
"1. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
2. Đồng tác giả là những tác giả cùng trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học.
3. Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả." (Điều 6)
Chủ sở hữu quyền tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản đối với tác phẩm.
- Tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả đồng thời có quyền được hưởng quyền nhân thân và quyền tài sản theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
Căn cứ Điều 19 và Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ quy định:
Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
1. Làm tác phẩm phái sinh;
2. Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
3. Sao chép tác phẩm;
4. Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
5. Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
6. Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.
- Trong khi đó, tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân:
1. Đặt tên cho tác phẩm;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
- Chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền tàu sản và quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.
Như vậy, trước khi lựa chọn đăng ký bản quyền tác giả dưới danh nghĩa cá nhân hay tổ chức, bạn nên cân nhắc đến các quyền lợi mà tác giả và chủ sở hữu của quyền tác giả sẽ được hưởng để có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn.